“Nói 3 câu thì văng tục đến 4 câu”, đó là lời tổng kết ngắn gọn nhưng lại ở mức “chuẩn không cần chỉnh” mà mọi người trong công ty gán cho Thành.
Nói tục thành… “thần”
Làm việc ở một công ty quảng cáo có tiếng và được đánh giá là một nhân viên tài năng, nhưng kiểu ăn nói của Thành thì ít ai chịu nổi. Nhẹ thì tiên sư, tổ bố… còn nặng hơn thì đủ lời chướng tai. Phòng của Thành “âm thịnh dương suy” nhưng dù phái đẹp có hết lời khuyên bảo hay tỏ thái độ khó chịu gì thì cậu chàng vẫn phớt lờ, coi như “sống chết mặc bay”. Nhiều lần trưởng phòng nhắc nhở nhưng Thành chỉ gãi đầu gãi tai ra vẻ biết lỗi “em lỡ miệng” rồi lại chứng nào tật nấy. Nói mãi đâm chán, mọi người chỉ còn cách bớt nói chuyện và hạn chế động chạm đến Thành ở mức tối đa.
Nói tục trong phòng làm việc như Thành vẫn còn là “lịch sự chán” so với mấy nhân vật ở công ty Phương. Là công ty chuyên về lập trình phần mềm, viết code nên ngoài mấy nhân viên nữ làm tester thì hầu hết là các ông với nhau. Mấy cô tester cũng vốn đã không được nhẹ nhàng, xinh xắn gì lại thêm trong mắt các anh, mấy nữ sư tử này còn có vẻ cứng nhắc và tính khí như “bà già” nên các chàng không lấy gì làm xấu hổ mỗi khi nói bậy, văng tục.
Nhiều lần Phương phát ngượng và ức không thể chịu nổi vì lối nói của của các đồng nghiệp trong công ty. Cứ đi ra ngoài hoặc nhìn thấy cô nào “bắt mắt” một tý là bắt đầu bình phẩm từ đầu tới chân. Hôm nào không may chạm vào mấy em hơi “ong chúa” một chút thì các chàng tha hồ mà chửi tục vì bị các em lườm hoặc vỉa cho mấy câu chạm tự ái. Đồng ý là đàn ông con trai, nhiều khi bình phẩm một chút về con gái nhất là gái xinh thì cũng là điều bình thường nhưng khổ nổi, ngôn ngữ của các chàng lại thuộc hàng “quái đản”. Nói 1 câu là thêm vào một từ tục tĩu. Nhiều lần các chị em tỏ thái độ thì các chàng lại lấy đó làm trò vui, rồi cứ phớt- ăng-lê hoặc có khi còn cố tình chọc cho các nàng điên tiết: “Mang tiếng làm văn phòng, dân công sở, được ăn học hẳn hoi mà nói còn tục hơn cả dân đầu đường xó chợ”– Phương bức xúc.
Và những điều phiền toái
Nói tục dường như đã thành thói quen, ăn vào máu của không ít người thậm chí khi đã vào nơi công sở, nhiều người vẫn không thể bỏ được thói quen đó xấu đó. Có khi còn gặp được “cạ” thì chẳng khác nào “cá gặp nước”. Bạn bè đồng nghiệp góp ý cũng không hiệu quả nhiều nhưng chính các chàng lại có lúc phải dở khóc dở mếu vì chính cái lối ăn nói vô đối của mình.
Cứ nói linh tinh trong phòng làm việc quen thói, có hôm họp toàn thể công ty, Hưng bị sếp mắng té tát trước mặt đông đảo nhân viên vì tội không coi ai ra gì, ăn nói thiếu văn hóa. Chả là đang lúc họp xem xét khuyết điểm về vụ sản xuất chương trình muộn, mấy cô biên tập lại túm ba túm bảy vào đổ lỗi cho Hưng. Ai cũng cho rằng, vì Hưng cứ thay đổi lịch xoành xoạch khiến mọi người không kịp trở tay. Chẳng biết có phải bực mình không kiềm chế nổi hay không mà Hưng bỗng nhiên văng tục trước mặt cả sếp tổng. “Các bà không lên lịch sản xuất, biết cái đ.. gì mà nói”. Không đợi Hưng kịp nói hết ý kiến của mình, sếp tổng đã nổi cơn thịnh nộ, yêu cầu nhân sự đưa ra hình thức kiểm điểm. Và dù có tài giỏi đến đâu, Hưng cũng không thể tránh khỏi một bàn thua trông thấy một khi cái thói nói tục phản lại chủ nhân. Từ đó, mỗi lần Hưng mở miệng ra nói tục, mọi người lại nhắc câu chuyện đó khiến Hưng lại được một phen ấm ức.
Không bị “lỡ miệng” trước mặt các sếp nhưng Thành cũng gặp phải một tình huống trớ trêu, khiến anh không biết xử sự thế nào. Phòng của Thành vốn đông nhân viên nữ, khuyên mãi mà vẫn không cải thiện được lối nói tục của Thành nên mấy chị em hùa nhau “tẩy chay” Thành. Không ai thèm nói chuyện với anh, dù có chủ động hỏi han gì Thành cũng chỉ nhận được sự im lặng. Có hôm các đấng mày râu cùng phòng đi vắng hết, còn mỗi mình Thành trong phòng, bắt chuyện không ai trả lời, Thành bắt đầu ức chế: “chỉ tại cái mồm làm hại cái thân”. Phải đến nửa tháng sau, tình trạng “tẩy chay” mới chấm dứt khi Thành phải ký vào cam kết của chị em đưa ra với tuyên bố xanh rờn trên giấy trắng mực đen: “Nói tục một lần bị phạt 20.000 + tẩy chay 1 tuần”.
Lời nói chẳng mất tiền mua, nếu không thể nói khéo léo, cho vừa lòng mọi người thì cũng đừng nên khiến người khác khó chịu vì kiểu nói năng của mình. Nhất là đối với giới văn phòng, công sở, mỗi lời nói đều thể hiện sự tôn trọng bạn bè, đồng nghiệp. Vì thế, văng tục, chửi bậy nơi công sở là một thói quen mà bạn nên từ bỏ, dù khó khăn đến đâu chăng nữa.
Theo Zing