Phải làm sao đây?
Đừng “buôn”
Đừng lấy anh chàng ở bẩn đó ra làm đề tài “buôn dưa lê” của các bạn. Nếu bạn ra sức “kể tội” ở bẩn của anh chàng với các đồng nghiệp khác, có thể họ sẽ nghĩ bạn quá hẹp hòi, thiếu thông cảm với đồng nghiệp nam. Hơn nữa, nếu người đó biết, họ sẽ cảm thấy bị xúc phạm ghê gớm.
Góp ý khéo léo và chân thành
Thật khéo léo khi góp ý kẻo anh chàng ngượng. Góp ý khi chỉ có hai người để không làm họ mất mặt. Nói chân thành, không vòng vo. Nếu bạn tỏ ra ngượng thì chắc chắn anh ta cũng ngượng theo. Hãy làm như chuyện ở bẩn của anh ta chẳng phải là điều gì to tát. Bạn là phụ nữ, vậy tại sao không cho anh ta một vài lời khuyên nhỉ? Anh ta sẽ cảm ơn bạn đấy.
Hãy bắt đầu câu chuyện với thành ý của mình. Đừng có giữ cái giọng chỉ trích hay đổ lỗi. Tránh những cái bĩu môi và bộ mặt căng thẳng.
Giữ bí mật buổi nói chuyện
Đừng bao giờ nói cho người khác biết về cuộc nói chuyện của các bạn. Những câu như: “Ôi giời, từ ngày mình góp ý, ông X. ăn mặc sạch sẽ hẳn lên”. Câu nói đó, dù không trực tiếp chê anh chàng đó nhưng cũng chẳng làm cho “thân chủ” dễ chịu chút nào. Hãy giữ sự thân mật và… bí mật cả trong và sau khi nói chuyện, bạn nhé.
Hãy cho “thủ phạm” cơ hội bào chữa
Một anh chàng láu cá có thể nghĩ ngay ra cách bào chữa cho bản thân, chẳng hạn như: “Dạo này cái máy giặt nhà tôi hỏng, mà tôi thì lại chẳng có thời gian để giặt tay”. Bạn cứ để cho anh ta nói, và hãy tỏ ra thông cảm với lý lẽ mà anh ta đưa ra, dù trong lòng bạn thấy nó thật nực cười và vớ vẩn. Nhớ đừng khăng khăng phản đối: “Vô lý, …”. Điều đó chỉ chứng tỏ bạn hiếu thắng và thiếu tế nhị thôi.
Nếu cậu đồng nghiệp của bạn quá lành hiền, chẳng thể nghĩ ra lý lẽ nào để biện minh cho cái sự ở bẩn của mình, hãy kín đáo gợi ý cho anh ấy. Chẳng hạn: “Hình như dạo này anh hay tập thể thao trước khi đi làm phải không…?”
Hãy tạo cơ hội và chấp nhận mọi lời bào chữa của đối phương, đó là cách tốt nhất để bạn cải thiện tình hình.
Theo Careerbuilder