“Những lúc hoạn nạn mới hiểu được lòng nhau”, sếp cảm động trước sự trung thành của tôi và một số ít đồng nghiệp, nên hứa hẹn nhiều điều. “Công ty biết ơn các bạn và một khi phát triển chúng tôi không quên ơn các bạn, chúng tôi sẽ tăng lương cho các bạn”. Điều đó tạo thêm động lực giúp mọi người cùng sếp vực công ty dậy.
Sau hơn một năm cố gắng, công việc làm ăn của công ty có bước khởi sắc, số lượng nhân viên lại được tuyển thêm và đến hiện giờ nó đang trên đà phát triển.
Công việc của tôi cứ thế trôi và mức lương của tôi nhận được sau hơn 2 năm vẫn không gì thay đổi. Sau 6 tháng kể từ ngày vào làm, tôi xin công ty tăng lương nhưng không được vì gặp phải thời buổi khó khăn như trên. Mà đúng là công ty khó khăn thật, nên việc tăng lương của các nhân viên đều bị gác lại.
Nhưng nay công ty đã qua thời buổi khó khăn, làm ăn phát triển nhưng lời hứa của sếp vẫn chưa thấy thực hiện. Giờ là thời điểm phải lên tiếng. Và tôi đã viết đơn đề nghị sếp xét duyệt tăng thêm lương nhưng mấy tháng nay cũng chưa có kết quả.
Có vẻ như sếp không hào hứng với chuyện này nên nói nhiều tôi cũng thấy ngại. Vì thế đành phải sử dụng chiêu cuối cùng là xin nghỉ việc để chuyển qua công ty khác vì mức lương không đủ trang trải cuộc sống. Mục đích chỉ là gây sức ép cho sếp nhanh chóng tăng lương, giữ đúng lời hứa hôm nào chứ không phải là tôi muốn ra đi thật. Thế nhưng, không phải như dự tính của tôi, sếp đã đồng ý với lá đơn xin ra đi đó của tôi.
Vậy là mất hết rồi còn gì. Lời hứa sếp đã không giữ, đóng góp và lòng trung thành đã không được ghi nhận. Lúc này, công ty không cần tôi nữa nên việc tôi ra đi hay ở lại cũng không còn quan trọng gì vì bây giờ tình thế đã khác.
Thế đấy các bạn, đôi lúc tôi tự hỏi, “là nhân viên có cần thiết lòng trung thành?”, thân phận làm thuê cũng trăm nỗi chát chua. Tôi viết những dòng tâm sự này mong trút bớt nỗi lòng và tìm sự đồng cảm, chia sẻ từ phía bạn đọc để tôi có thêm sức mạnh tinh thần vượt qua nỗi buồn này.
Theo Chonviec.com