Thời của các “Đại công chức”

Họ có thể già, họ có thể trẻ, họ có thể sồn sồn… song thảy đều giống nhau ở cái vẻ bất cần đời, cao ngạo và hách dịch. Họ đang làm xấu đi hình ảnh giới công chức vốn cần mẫn, lịch lãm và ít nhiều đáng kính…

Rời trường đại học, bước chân vào cơ quan làm công việc tư vấn tình yêu, hôn nhân – gia đình, ai cũng khen Tuấn nhũn nhặn, mềm mỏng, tính tình như con gái cho dù cậu là nam nhi “chính giới”. Buổi sáng, Tuấn luôn đến cơ quan sớm hơn nửa giờ so với đồng nghiệp, để… đun nước pha trà, rửa ấm chén, dọn vệ sinh. Công việc thì miễn bàn: Có học hành, nói năng nhỏ nhẹ, Tuấn đã làm… xiêu lòng rất nhiều vị khách hàng, đặc biệt là các cô gái đang tuổi mơ mộng yêu đương.

“Mặt trái” của Tuấn, chỉ có bạn bè thân thiết mới biết. Từ cơ quan đến quán nhậu, cậu vùng vằng, văng tục, chửi bới “con nọ, thằng kia” với bất cứ ai, dù đồng nghiệp, bạn bè hay người phục vụ, khi không vừa ý. Những người được Tuấn tư vấn hẳn sẽ rùng mình nếu biết rằng chuyện riêng tư thầm kín của họ vẫn bị cậu mang ra đàm tiếu với toàn lời lẽ dung tục và đầy miệt thị.

Già tuổi đời và “già rơ” hơn cả Tuấn là Xuân Vũ, công tác ở một cơ quan báo chí địa phương. Việc viết báo tuy thế không làm cho Vũ hào hứng bằng những cuộc nhậu nhẹt, chơi bời, với các mẹo vặt luồn lách và làm khó đồng nghiệp hòng gây thanh thế và củng cố chỗ đứng của mình. Cái món lợi khẩu ít nhiều cũng đỡ được chân tay, thậm chí còn khiến Vũ có lúc được sủng ái.

Cường có vẻ mặt lạnh lùng và cái nhìn lúc nào cũng lừ lừ, dù tuổi công chức của hắn chưa kịp… thôi nôi. Có lẽ chưa ai dạy hắn như thế là khiếm nhã, nhưng điều đáng “nói” hơn là người ta lại đặt hắn vào cương vị quản lý trong một đơn vị tư vấn thiết kế. Các nhân viên mỗi khi có việc phải “lên” gặp Cường thảy đều ngao ngán.

Người ta không chỉ ngại cái ánh mắt nhìn, mà còn vì cái cách nói như rít qua kẽ răng, cái cách nhả chữ dè sẻn và cộc lốc như đốp vào mặt người đối diện: “Gì đấy?”, “Sao?”, “Hả?”, “Cái gì?”… Tóm lại, nếu không vì công việc, chẳng ai muốn phải đi gặp hắn để khỏi mang về cái cảm giác bực tức như vừa tắm xong lại phải ra đứng trước ống pô xe cho khói phụt vào người.

Vào cái thời buổi cạnh tranh như hiện nay ai cũng biết mang cái bộ mặt như hắn ra mà làm ăn chắc có ngày sập tiệm, nhưng cái “giá trị” của hắn nằm ở chỗ…quyền hạn “điều tiết”, “xét duyệt” của ông bố nên khách hàng vẫn miễn cưỡng tới lui. Cơ quan hắn vẫn “ăn nên, làm ra” và người ta phải nghĩ đến cách làm quen với gương mặt của hắn hơn là tỏ ra khó chịu.

Ở một bộ phận giao dịch thuộc cơ quan bưu chính thành phố có một nhân viên nữ vừa xinh lại vừa… hách dịch. Bao khách hàng đã phải điêu đứng không chỉ vì nhan sắc của cô mà còn vì bị cô hành cho khốn khổ. Được các bác quản lý đơn vị phân công vào công việc đơn giản phù hợp với “chuyên môn… nhan sắc” của cô: chuyên bán phong bao, poster và một số vật phẩm của ngành bưu điện.

Công bằng mà nói, không phải bất cứ ai, có bố mẹ, người thân có vai vế trong xã hội cũng tự biến mình thành những “ông, bà…trời con” và ngược lại, không phải vị “trời con” nào cũng đều là con nhà quyền thế. Đó là những trường hợp… đột xuất nhưng không phải ít. Và cũng như nhân vật đầu tiên của phóng sự này, họ cảm nhận hai chữ “công chức” có một sức mạnh vô biên, trở thành người của nhà nước nghĩa là có trong tay quyền lực và tha hồ “tiêu xài” cho bõ những ngày “nếm mật nằm gai”, nhũn như con chi chi khi bị sai vặt, “tự giác” dọn vệ sinh, pha chè, đun nước…

Minh Thanh là nhân viên văn phòng một cơ quan cấp vụ. Vừa nhận quyết định hôm trước, hôm sau Thanh hùng hồn tuyên bố với bạn bè “từ nay mình thoát kiếp trâu ngựa”. Lời nói của cô nhanh chóng được “giải mã”: Sáng hôm sau, người ta thấy cô túc tắc đến cơ quan lúc… 9h! Cũng ngay trong ngày đầu tiên thành “bà biên chế”, Thanh lập tức gọi điện đến những nơi có quan hệ công tác và các cơ quan thuộc ngành dọc cấp dưới để… chia sẻ niềm vui và bóng gió rằng ngoài các lãnh đạo ra, sự tồn tại của cô ở cơ quan từ nay là “có thật”. Dĩ nhiên, thiếp chúc mừng bay về như bươm bướm, còn những thứ không bay được thì theo đường tàu hoả, ô tô… hoặc do chính khổ chủ đi công tác mang theo. Ai cũng biết nếu họ không nhớ đến cô thì cũng có ngày công văn giấy tờ gửi lên cũng có thể bị quên trong ngăn tủ!

Tất nhiên, những chuyện “tình nghĩa” kiểu Thanh không thể xảy ra từ một phía, nếu không có sự sẵn sàng và đôi khí quá “hiểu biết” của bên kia. Thế nhưng nếu gặp phải những đối tượng “trong sáng” hơn thì Thanh sẽ “đào tạo” bằng cách: “Công văn giấy tờ mà làm như thế hả?” hoặc “Dạo này sếp bận quá chưa trình lên được. Thôi nhé!”. Khi “đương sự” đã thấm đòn vì chờ đợi, lặn lội hàng trăm, thậm chí hàng nghìn cây số đến nơi thì cô ra vẻ hậm hực, xô bàn, đá ghế: “Định làm trò gì đấy!Không tin tôi à?”. Và, cho tới nước này mà còn không hiểu, thì có thể kết luận cái đang ở trên cổ người đứng trước mặt cô là cục đá chứ không phải cái đầu.

Những câu chuyện, những vấn đề trong phóng sự này chắc chắn chưa thật đủ đầy so với thực tế. Tuy nhiên, đó là những điều không thể bỏ qua trong quá trình chấn chỉnh để hoàn thiện và chuyên nghiệp hoá đội ngũ công chức của chúng ta. Mẫu hình công chức trong bối cảnh hiện nay như thế nào là vấn đề của các cơ quan có thẩm quyền. Còn với người dân, họ chỉ yên tâm khi nào đội ngũ công chức ở ta lấy lại được hình ảnh vốn có của những người cần mẫn, lịch lãm và ít nhiều đáng kính.

Ảo tưởng về quyền hạn là điều có thật đang diễn ra ở một bộ phận công chức. Trong khi đó, thực chất của cái thứ quyền mà họ tưởng tượng chỉ giống như “quyền” ngã xe không sợ chấn thương, đi thi không sợ rớt và… nhịn ăn không sợ đói, có nghĩa đã là công chức thì không bao giờ sợ mất việc! Không rõ nhà nước còn nhận được lợi ích gì từ việc tuyển dụng họ vào vị trí công chức hay không, chứ cái chuyện “mở đường” cho các ông, bà này ngày càng trở lên thui chột, lười biếng, ỷ lại, thậm chí hư đốn không hề là chuyện ảo.

Một chế độ ràng buộc về trách nhiệm chuyên môn và danh dự công chức rõ ràng cần thiết, không chỉ để lấy lại uy tín và hiệu quả cho công việc mà còn giúp những người có lương tâm khỏi phải buồn phiền, những người giỏi giang không phải ra đi vì quá… nản.

Theo Kiến Thức Ngày Nay