Ở các thành phố lớn, những người trẻ và cả những người không còn trẻ cuống cuồng lao lên để chứng tỏ mình, họ thử rất nhiều việc, thấy ai làm gì “đường được” là lao theo làm. Cuống lên giành giật việc để làm, nhưng đang làm dở, thấy khó quá, lại thấy người nào đó làm cái khác hay quá, trông cũng ngon ăn, thế là lại bỏ dở việc cũ, lao vào việc mới. Cuối cùng là chẳng việc nào thành công, và lại lao đi kiếm tìm thành công với những việc mới. Lãng phí thời gian của ta biết bao, chưa kể vô số những vật liệu ta trót hùng hục đầu tư làm cũng bỏ dở, thành rác thải cho xã hội.
Hiếm người nào bình tĩnh nghiên cứu để mình thành một chuyên gia trong lĩnh vực nào đó. Hay đơn giản hơn là chịu đầu tư thời gian và công sức cho tay nghề để trở thành một người thợ siêu hạng, ít ai sánh kịp. Hiếm nữa là dành tất cả tâm huyết, tài năng và cả cuộc đời mình để sáng tạo ra một loại sản phẩm mới, giải quyết được một nhu cầu thiết yếu cho cuộc sống, mang giá trị nhân loại mà chưa từng có ai làm được, ví dụ như nghiên cứu tìm ra loại thuốc chữa dứt được bệnh tiểu đường, hay cái máy chế được nước thải độc hại từ nhà máy dệt nhuộm thành nước sạch cho nông nghiệp chẳng hạn… được vậy cả xã hội sẽ tôn vinh bạn như một ngôi sao sáng chói, một tài năng xuất chúng mà đất nước có thể tự hào.
Ta khoái tự làm ra một cái gì đó, nhưng cái ta làm ra không chất lượng, không đẹp bằng cái tương tự mà người khác chuyên làm, vậy thì ta có nên phí tâm sức làm nó hay không? Hay thay vì tự làm, ta thuê người giỏi làm cái đó cho mình, hoặc chịu mua sản phẩm tuyệt vời của họ. Hãy xác định sở trường của mình rồi chuyên tâm làm cái đó thôi, đặt mục tiêu rõ ràng, làm đến cùng cho ra kết quả tốt, sau đó lại đầu tư tiếp thời gian và công sức để cải tiến nó không ngừng, chớ thấy sản phẩm tốt rồi mà ung dung hưởng thụ, hoặc quay sang làm cái khác thuộc lĩnh vực khác.
Cũng cần nhớ lại lời người xưa từng tổng kết: “Nhất nghệ tinh, nhất thân vinh”; “Một nghề thì sống, đống nghề thì chết”.
Ta hãy tạo nên một sản phẩm của riêng ta, khẳng định thương hiệu cho nó, và từ sản phẩm ấy mà xây dựng thương hiệu cá nhân. Khi nhắc đến tên của ta là xã hội lập tức gắn với tên sản phẩm ấy. Ví như nhắc đến Ngô Bảo Châu thì ta nhớ ngay đến huy chương Fields mà ông đạt được nhờ chứng minh “Bổ đề cơ bản”. Hẳn ai cũng biết để chứng minh được Bổ đề ấy, giáo sư Ngô Bảo Châu đã phải dành ra cả 15 năm ròng. Trong 15 năm ấy rất nhiều người hỏi không biết anh chàng Ngô Bảo Châu trước kia lẫy lừng với những giải toán quốc tế giờ ở đâu làm gì mà im ắng lâu thế, giỏi như thế mà chả thấy đóng góp cụ thể gì cho đất nước! Nếu bạn là một thợ may, bạn có dám bỏ ra cả 15 năm để đầu tư nghiên cứu sáng tạo ra một loại áo mặc vào khiến cho người ta không chỉ đẹp, cảm giác thoải mái dễ chịu có lợi cho sức khỏe mà tinh thần còn phấn chấn hơn là uống một tách café không? Nếu làm được điều đó, bạn sẽ từ vị trí một thợ may trở thành một nhà sáng chế nổi tiếng toàn cầu, chẳng kém gì giáo sư Ngô Bảo Châu.
Cuối cùng thì bạn có dám trở thành một chuyên gia trong công việc của mình hàng ngày? Hay bạn sẽ vẫn tiếp tục sốt ruột nhìn trước ngó sau ngang ngửa xem thiên hạ làm gì để nhào theo mà bỏ qua việc đầu tư cho chính năng lực thực sự chỉ riêng mình có?
Theo Tamnhin