Những câu chuyện về những phụ nữ làm báo hình

“Phụ nữ mà làm nghề báo, lại còn làm truyền hình nữa thì chẳng lo chu đáo được việc nhà đâu”, chẳng phải ai xa lạ mà chính những đức ông chồng đã thốt lên như thế.

Giờ giấc chẳng 8 tiếng một ngày, thứ bảy, chủ nhật chẳng được nghỉ như người ta, đó đã là điều thiệt thòi cho chồng con.
Rồi những chuyến đi công tác, nhanh thì 3 – 4 ngày, lâu thì 10 ngày, nửa tháng… nhà cửa cứ rối bung lên bởi chồng cũng còn công việc. Vả lại, chăm sóc con cái và lo việc nhà xưa nay việc ấy vẫn được coi là “thiên chức” của các bà mẹ. Mà “các bà mẹ” ấy vì bận việc nên nhà nào hầu như cũng có một cô, bà, em “ôsin” để trao gửi toàn bộ nhà mình. Cách đây ít lâu tôi được Đài THVN tặng cho giấy chứng nhận “Phụ nữ giỏi việc nước, đảm việc nhà” kèm với 200.000 đồng. Lập tức giấy ấy được đem về treo trang trọng, còn tiền thưởng thì “cưa đôi”, dĩ nhiên là bác “ôsin” gắn bó với tôi hơn 10 năm nay thật xứng đáng được nhận nó…
Nhiều chị em may mắn được chồng hiểu, thông cảm và trợ giúp cho công việc, thật hạnh phúc biết bao. Cảnh chồng trùm áo mưa đứng co ro chờ vợ ở cổng Đài vào 11, 12h đêm thật cảm động. Tiếc rằng lúc ấy chẳng có cái máy quay nào ghi lại cảnh này. (Quay những sự kiện khẩn chỉ có Ban Thời sự, mà Ban Thời sự đâu có thiếu việc để làm, người thời sự như Thanh Lan, Vân Ly, Thu Hà, Minh Nguyệt, Thuỳ Linh… ngủ vật vờ ở Đài để “Chào buổi sáng” là chuyện thường ngày ở huyện, ăn nhằm gì việc được về lúc 12h khuya!)
Tôi biết có những đồng nghiệp chấp nhận công việc đầy vất vả của người làm báo, làm truyền hình và một gia đình đầy sóng gió. Chẳng thiếu những đức ông chồng không thể chịu được cảnh vợ đi sớm, về khuya, đi công tác hàng nửa tháng. Với anh ta, vợ là vợ, là tề gia nội trợ, là cơm nước, giặt giũ, con cái, chờ chồng đi làm về. Và thế là “cơm không lành, canh không ngọt”, chẳng có ai đón ở cổng Đài vào lúc 11h khuya, chẳng có ai điện hỏi thăm trong cả một tuần dài đi công tác. Chẳng ly hôn, nhưng người chồng gia trưởng cũng có vài mối tình cho bõ tức vợ. Có gì đâu, vợ chẳng có nhà thì vui chân nhậu cùng với vài thằng bạn, rồi theo đi gội đầu thư giãn, hát karaoke cho vui. Rồi 1, 2, 3 em trẻ, xinh tươi (vì nhiều son phấn) sà đến, em lau mặt, em khui bia, em nũng nịu an ủi: “Sao anh buồn, cứ đến bọn em là ưu tư phiền muộn tiêu tan hết, chúng em sinh ra để làm các anh vui!”
Hay quá, thế là lần 1, lần 2 còn day dứt, vừa ôm em, vừa nghĩ tới cảnh vợ xếp vali đi công tác, về nhà vội vội vàng vàng, lúc nào cũng như biết lỗi. Rồi lần 3, lần 4 đã chẳng còn thấy hình ảnh vợ hiện lên. Và thế là vợ cứ đi công tác, chồng cứ karaoke, con đã có bà “ôsin” còn gì phải lo nữa. Chẳng ai nghĩ đến chuyện bỏ nhau, bởi vì đạo đức, bởi vì ràng buộc kinh tế, bởi vì… Nhưng “tổ ấm” đã thành “tổ lạnh”… vợ chồng gá vào nhau…
Bỏ nghề để giữ gia đình ư? Không được, vì đã quá yêu nó mất rồi. Cứ “đến hẹn lại lên”, đến giờ là phải có chương trình phát sóng. Có khi cả đêm không một phút chợp mắt, vì đau đớn, dằn vặt khi gia đình xung đột, sáng ra, hoá trang kỹ cho mất quầng thâm mắt, vẫn phải cười tươi khi “Kính chào quý vị và các bạn!”
Tại sao tôi lại viết những dòng này trong một ngày phụ nữ được tôn vinh, được nhận hoa, được chúc mừng? Chẳng có gì khác ngoài lời tâm sự của chính mình, tâm sự thay cho các đồng nghiệp, bạn bè là phụ nữ, những người may mắn có gia đình hạnh phúc, và cả những người không có may mắn ấy. Mỗi người có một nghề, để cống hiến cũng là để kiếm sống. Chúng tôi đã chọn nghề báo, truyền hình (hoặc chính nghề này đã chọn chúng tôi).
Và tất cả mọi điều chúng tôi đều có thể làm được, dù đáng ngại như ngồi trước mặt một người sắp chết vì AIDS, dù khó khăn như việc phải đi bộ cả ngày trời ở Hà Giang. Chúng tôi làm được hết, nếu chắc chắn rằng, ở ngôi nhà thân yêu kia có người chồng thông cảm và chia sẻ khó khăn với vợ. Có những cô dâu làm báo truyền hình thường bị bố mẹ chồng gọi đùa là “dâu tây”, “dâu đất”, vì chẳng biết làm (và chẳng có thời gian làm) một mâm cỗ cúng, chẳng thể quán xuyến một đám giỗ mời đông đủ họ hàng. Xin hãy thứ lỗi cho chúng con, vì chưa làm vui lòng cha mẹ.
Mới vừa qua, tôi đi làm phóng sự ở Trung tâm giáo dục lao động số 2, nơi có gần 1.000 cô gái mại dâm, nghiện hút đang cải tạo. Phỏng vấn một cô – 18 tuổi có 2 năm đi khách, mắc bệnh giang mai nặng. Cô hồn nhiên kể: “Chị làm phóng viên à? Em có “cặp” với một anh, anh ấy kể vợ anh cũng làm phóng viên đấy”. Chẳng biết nói sao với cô bé 18 tuổi, mắt không nai, khi chính tôi và những đồng nghiệp của mình vẫn bươn bả với những chuyến đi công tác xa thành phố hoặc cặm cụi với công việc từ sáng tới đêm. Hy vọng, các anh sẽ đọc bài viết này.

Theo VTVWeb