Họ phải là nguồn “nhân lực bậc cao”, mà nhiều khi, sự tác động vào họ được ví như “điểm trúng huyệt”, giúp tạo nên sự thay đổi mạnh mẽ cho hoạt động của DN.
Tuy nhiên, theo thống kê sơ bộ, có tới hơn 40% chủ DN ở Việt Nam chưa qua đào tạo, đặc biệt là những doanh nhân Việt Nam xuất phát từ những ngành, nghề chuyên môn, mà không được đào tạo về kỹ năng quản trị DN. Lãnh đạo một tập đoàn công nghệ thông tin từng ví thế hệ những doanh nhân có xuất phát điểm ấy là những nhàquản lý được hình thành theo kiểu “du kích”, vốn là những anh thuần chuyên môn, kỹ thuật. Ông tâm sự: “Khi ấy, nếu giao cho tôi làm một phần mềm, tôi sẽ hoàn thành ngay không hề sai sót, còn chuyện phải quản lý tiền nong, giao dịch, tìm kiếm thị trường, quan hệ đối tác, tổ chức nhân sự… thì quả là một mớ rắc rối, rất ngại đụng vào”.
Có doanh nhân lớp trước nhớ lại “cơ duyên” trở thành một nhà quản lý của mình hơn 20 năm trước, thật không giống ai, không có trong giáo trình, bài vở kinh doanh nào: một nhóm bạn chung tay lập công ty, bạn bè bảo “ông là trưởng nhóm ở đây, thôi thì ông làm giám đốc”. Ừ, giám đốc thì giám đốc. Nhưng bắt tay vào làm mới đụng tới vô số vấn đề, nào là tuyển chọn nhân lực, xây dựng kế hoạch phát triển thị trường, đàm phán với đối tác, quản lý chi phí, tài chính… “Vô vàn khó khăn đang đón chờ tôi, trong khi “vũ khí” cần thiết nhất đối với người đứng đầu DN để chèo lái con thuyền của mình tiến vững trên biển cả thương trường là kỹ năng quản trị DN thì lúc ấy, ở mức khái niệm thôi vẫn còn là điều lạ lẫm”, ông nhớ lại.
Không thể phủ nhận rằng, đã có không ít nhà quản lý DN của Việt Nam được hình thành bởi cách thức rất “du kích” như thế. Thiếu căn bản, thiếu “vũ khí” quan trọng nhất là kỹ năng quản trị, đương nhiên việc nhiều doanh nhân cùng DN của mình phải chấp nhận những thất bại trên thương trường khốc liệt là điều khó tránh khỏi. Nhưng điều đáng mừng là, cũng có không ít doanh nhân trong số đó đã biết vượt qua trở ngại, hạn chế của xuất phát điểm, phát huy thế mạnh của người làm chuyên môn là hiểu sản phẩm, hiểu yêu cầu của thị trường đối với sản phẩm, không ngừng học hỏi với một nhiệt huyết làm giàu chính đáng và đã từng bước khẳng định vững vàng vị trí của mình và uy tín của DN trên thương trường.
Trong khi tại nhiều cơ quan, một số cán bộ, viên chức thuộc hàng “cứng tuổi” có thể viện “lý do thế hệ”, tuổi tác ấy mà ngại học hỏi, sử dụng đến những thiết bị, công cụlàm việc hiện đại thì nhiều nhà quản lý, lãnh đạo DN mà chúng tôi từng tiếp xúc lại cho thấy một hình ảnh hoàn toàn khác – hình ảnh của nhà quản lý hiện đại và năng động. Có người xuôi ngược ra bắc, vào nam, thậm chí cả khi đi công tác nước ngoài vẫn tự mình sử dụng chiếc laptop trao đổi công việc với nhân viên. Có những người tự tin đàm phán với đối tác nước ngoài bằng khả năng ngoại ngữ đáng khâm phục. Có người từ hiểu biết và kinh nghiệm lăn lộn trong thương trường của mình đã viết nên những cuốn sách thiết thực dành cho đồng nghiệp… Nhưng hơn cả những ấn tượng ấy, sự lớn mạnh từng ngày của DN họ đang quản lý, điều hành mới thực sự là sự khẳng định tài năng, khẳng định các nhà quản lý hình thành theo kiểu “du kích” ngày nào, giờ đã rất “chính quy, tinh nhuệ”.
Có thể thấy điều này qua một so sánh đơn giản: từ quản lý một công ty nhỏ với hơn chục con người đến việc điều hành một tập đoàn vài trăm con người thì bản thân người quản lý tập đoàn ấy đã phải tự mình học hỏi để lớn mạnh, trưởng thành lên rất nhiều. Họ quan tâm hàng đầu đến chiến lược phát triển con người, chú trọng tiếp thucông nghệ tiên tiến, tạo môi trường làm việc thực sự khoa học – văn hóa, điều hànhDN bằng những hệ thống quản lý chất lượng tiêu chuẩn quốc tế và không ngừng học hỏi… Không gì khác, đó chính là cách làm của những nhà quản lý hiện đại, những nhà quản lý giỏi đã và đang sẵn sàng cùng DN của mình bước vào cuộc cạnh tranh, hội nhập với bạn bè quốc tế. 99 doanh nhân, nhà quản lý tiêu biểu được Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam chứng nhận và trao Giải thưởng Nhà quản lý giỏi trong dịp này là một minh chứng và là phần thưởng xứng đáng nhằm ghi nhận và tôn vinh những đóng góp của họ đối với DN, với xã hội.
Ông Đặng Ngọc Chiến, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam khẳng định, Giải thưởng Nhà quản lý giỏi là sự động viên, khích lệ nỗ lực của các nhà quản lý, đồng thời như chứng chỉ ghi nhận chất lượng của DN theo chuẩn quốc tế để họ tự tin bước vào cuộc cạnh tranh với thế giới.
Một tín hiệu đáng mừng cho nền kinh tế Việt Nam là những năm gần đây, nhiều doanh nhân trẻ đã chủ động trang bị cho mình kỹ năng quản trị DN, học “nghề” giám đốc. Đã có không ít cuộc thi tìm kiếm tài năng kinh doanh, ý tưởng kinh doanh nhằm phát hiện, đào tạo một thế hệ nhà quản lý “chính quy” thực thụ. Trong khi đón chờ thế hệ nhà quản lý mới ấy bước vào độ chín, thì những kinh nghiệm của lớp doanhnhân đi trước đang khẳng định được mình thực sự là gia tài vô giá đối với các doanhnhân trẻ, bởi thực tế khắc nghiệt của thương trường đã chỉ ra rằng, có hay không có kinh nghiệm, nhiều hay ít kinh nghiệm luôn luôn cận kề với thành công hay thất bại, với nụ cười hay nước mắt.
Theo Đầu tư