Nền kinh tế thế giới vẫn bị bao trùm bởi gam màu tối. Sức ép đẩy các doanh nghiệp trong nước vào tình trạng phải cắt giảm việc làm. Nhìn từ góc độ doanh nghiệp, điểm tiêu cực là bạn buộc phải tinh giản bộ máy kéo theo đó là nguy cơ phải thu hẹp hoạt động kinh doanh. Tuy nhiên nhìn từ góc độ tiêu cực, đây cũng là cơ hội để đội ngũ quản lý phát huy tối đa công suất lao động của nhân viên trong phạm vi cho phép, sàng lọc ra những “nhân tài” thực sự để phục vụ cho mục tiêu phát triển lâu dài. Để đạt được mục tiêu này, bạn hãy thử “lợi dụng” tâm lý sợ mất việc thông qua các biểu hiện sau của nhân viên!
Hiệu quả công việc
Trong bối cảnh suy thoái, các nhân viên thường rất nhạy cảm với nguy cơ bị sa thải hoặc không được trọng dụng. Xu thế chung, họ sẽ tìm cách nói chuyện với nhà quản lý để chủ động đề xuất những ý kiến nhằm cải thiện hiệu quả làm việc. Họ sẵn sàng nán lại sau giờ làm việc để hoàn thành nốt công việc được giao. Mục tiêu của họ có thể chỉ là để chứng tỏ tầm quan trọng, đóng góp của mình đối với công ty.
Lời khuyên cho nhà quản lý: Tinh thần làm việc của nhân viên sẽ tăng lên rất nhiều nếu bạn chủ động lắng nghe những tâm sự của họ về công việc. Bạn nên đề cập thẳng thắn hiện trạng khó khăn mà công ty đang phải đối mặt và tạo điều kiện để họ thể hiện giá trị của mình.
Học cách “đa nhiệm”
Cũng nhằm tăng tầm quan trọng của mình đối với doanh nghiệp hướng tới mục tiêu “tồn tại”, nhân viên của bạn sẽ học cách “đa nhiệm”, đảm nhận cùng lúc cả những công việc của đồng nghiệp.
Lời khuyên cho nhà quản lý: Giai đoạn kinh tế khủng hoảng sẽ là thời điểm tuyệt vời để doanh nghiệp đẩy nhanh tốc độ đào tạo kỹ năng cho các nhân viên cốt cán, tạo ra được sự linh hoạt cần thiết cho cả bộ máy. Cụ thể, một nhân viên kinh doanh sẽ hoạt động hiệu quả hơn nhiều nếu anh ta hiểu được công việc mà các nhân viên marketing hoặc nhân viên chăm sóc khách hàng đang đảm nhận.
Tiết kiệm chi phí
Khi nhà quản lý đang “vò đầu bứt tai” vì hoạt động kinh doanh gặp nhiều khó khăn, chắc hẳn những nhân công tinh ý đều sẽ tìm mọi cách để chứng tỏ mình là người tiết kiệm, biết loại bỏ những chi phí không thiết yếu trong quá trình làm việc.
Lời khuyên cho nhà quản lý: Để đảm bảo hiệu quả kinh doanh, một trong những hành vi cần khuyến khích là thực hành tiết kiệm. Thời điểm kinh tế suy thoái tạo điều kiện rất tốt để doanh nghiệp rà soát và điều chỉnh tác phong cần kiệm của các nhân viên. Ví dụ việc sử dụng giấy đã in một mặt, tắt các thiết bị điện khi dời khỏi văn phòng, sử dụng các tiện ích thoại qua mạng như Skype để liên lạc với đối tác thay vì sử dụng các cuộc gọi đường dài…
Mong muốn đảm nhận những vị trí quan trọng hơn
Tương tự như hành vi tự nhiên của động vật là tìm tới những vị trí cao hơn khi bị lụt, trong bối cảnh kinh tế suy thoái, mỗi nhân viên đều sẽ có cảm giác an tâm hơn khi họ nắm giữ những vị trí quan trọng, chủ chốt trong công ty. Đương nhiên, sức ép buộc phải tinh giản biên chế cũng sẽ khiến doanh nghiệp phải sa thải bớt nhân công, cải cách lại bộ máy tổ chức. Chính hoạt động này cũng sẽ tạo ra các khoảng trống, thôi thúc những cá nhân có năng lực thể hiện bản thân mình.
Lời khuyên cho nhà quản lý: Hãy tạo một “sân chơi” bằng phẳng cho các nhân viên. Dù bạn có thể rất sáng suốt và quyết đoán, thời điểm khủng hoảng vẫn là lúc bạn nên huy động tối đa sức mạnh tập thể, tính sáng tạo của các nhân viên. Hãy mạnh dạn đề bạt và sử dụng những nhân viên cấp dưới cho các vị trí quan trọng nếu họ đưa ra được những giải pháp có thể giúp doanh nghiệp vượt qua hoặc hạn chế được những tác động tiêu cực của khủng hoảng.
Thời thế tạo anh hùng. Bức tranh kinh tế ảm đạm đặt ra cho nhà quản lý nhiều bài toán hóc búa. Tuy nhiên, thách thức luôn đi kèm cơ hội để bứt phá. Và để tạo nền cho quá trình bứt phá mang tính lâu bền, nhà quản lý nên tập trung để giải tốt bài toán về nhân sự.
Theo DNSGCT