Dùng điện tràn lan
Mặc dù tất cả công sở đều có quy định: Nhân viên khi đi ra ngoài hoặc trước khi ra về phải tắt điện, tắt quạt và tắt điều hòa nhưng không ít văn phòng cả đêm tiếng máy điều hòa vẫn ì ì chạy. Nguyên nhân là chiều qua mấy cô cậu nhân viên ra về quên chưa tắt. Vậy là nếu giám đốc phát hiện thì bị khiển trách còn nếu không thì nhân viên trong phòng nhấm nhấm nháy nhau cho qua chuyện. Đến cuối tháng tiền điện lên đến vài triệu thậm chí những cơ quan lớn lên đến vài chục triệu.
Anh Bùi An Luých phóng viên báo “Người công giáo” tâm sự: Vào những tháng mùa hè, tiền điện cơ quan lên đến vài chục triệu. Bởi máy điều hòa các phòng chạy hết công suất. Hơn nữa vì là cơ quan nhà nước nên đã có trợ cấp từ bên trên do đó nhân viên cứ thả phanh dùng mà không cần phải tính toán. Nhiều khi nhìn hóa đơn thanh toán mà sót cả ruột. Tính qua cũng biết số tiền điện một tháng bằng người nông dân làm cả đời.
Buôn điện thoại hàng giờ
Bên cạnh việc dùng điện tràn lan thì buôn điện thoại nơi công sở cũng là căn bệnh kinh niên của các nhân viên văn phòng. Tuy nhiên cái nguy hiểm của căn bệnh này không chỉ dừng lại ở cước điện thoại mà còn bởi thời gian mà nhân viên đó “đánh cắp” để “buôn”.
Sáng đến cơ quan tranh thủ gọi điện cho mấy đứa bạn hỏi xem tối qua đi chơi có vui không. Thế là chuyện nọ xọ chuyện kia đến khi nhìn vào đồng hồ tính phút nhân viên mới giật mình bởi cuộc nói chuyện đã lên đến gần 1 tiếng đồng hồ. Cứ như thế cứ nhân viên này thay nhân viên kia “canh” điện thoại.
Các ông chủ công ty, các cơ quan vô cùng đau đầu với căn bệnh “buôn điện thoại” của nhân viên. Họ đã nghĩ ra đủ mọi biện pháp từ răn đe đến phạt thậm chí là đổ keo 502 vào khóa để hạn chế các cuộc gọi ngoại tỉnh cũng như di động nhưng chỉ một thời gian sau những “tên trộm” siêu hạng lại phá khóa và tiếp tục “buôn”.
Dùng giấy photo và vệ sinh vô tội vạ
Mới mua mấy lốc giấy vậy mà hôm nay nhân viên đã kếu hết. M, cô văn thư của một công ty nọ cứ ca cẩm mãi và tự hỏi không biết giấy photo bay đi đâu mà nhanh thế. Tìm hiểu ra M mới ngã ngửa người ra bởi các bà mẹ trẻ đã lấy giấy photo ở cơ quan về đóng quyển nháp cho con.
Dùng giấy photo vô tội vạ cũng đã và đang là một vấn nạn tại các cơ quan. Nhiều nhân viên cho rằng: Giấy photo đáng bao nhiêu tiền, giá mỗi lốc có khoảng hơn 30.000 đồng thì cơ quan dùng cả tuần. Do đó họ cứ dùng thả phanh. Dùng không hết thì đem về nhà cho con, cho cháu. Vậy là mọi người không ai bảo ai cứ âm thầm rút và hậu quả là mỗi tháng tiền giấy photo ở các cơ quan cũng lên đến vài trăm thậm chí hàng triệu.
Giấy vệ sinh, vấn đề tế nhị này cũng được đề cập tại các cuộc họp của các cơ quan, công ty. Bởi các nhân viên cho rằng vì là “của chùa” nên họ rút vô tội vạ. “Chẳng nhẽ suốt ngày cứ đi mua giấy vệ sinh về phục vụ nhân viên” – Chị Vi, Trưởng phòng hành chính tổng hợp của Sở Văn hóa tỉnh HT cho hay.
Lãng phí thời gian
Đây có lẽ là kiểu lãng phí phổ biến nhất và cũng nguy hiểm nhất. Sáng đến cơ quan đi muộn 30 phút với lý do tắc đường. Lý do này hợp lý quá bởi đường ở Hà Nội ai chẳng biết. Chỉ cần một vụ va chạm nhỏ trên
đường cũng khiến cả con phố bị tắc mấy giờ đồng hồ.
Mặc dù giờ bắt đầu làm việc quy định là 7 giờ 30 nhưng đến nơi nhân viên nhà ta lại lũ lượt kéo nhau đi ăn sáng, cà phê. Vậy là phải đến 8 giờ 30 hoặc hơn nhân viên mới chính thức ngồi vào máy và bắt đầu công việc.
Vừa mở Yahoo Messenger đã thấy “buzz, buzz” cứ vù vù nhảy múa trên màn hình. Chắc là lại thích “buôn”đây. Vậy là chuyện qua, chuyện lại đến gần hết buổi sáng nhân viên mới chính thức bắt đầu giải quyết công việc.
Bạn cứ thử hình dung xem nếu như tất cả nhân viên đều tìm cách “ăn bớt’ thì một ngày các ông chủ bị “lõm” bao nhiêu thời gian.
Chốn công sở – ngôi nhà thứ hai của dân văn phòng còn rất nhiều những hình thức lãng phí khác nữa. Thực ra tôi biết, anh biết và sếp biết nhưng tất cả là do ý thức của dân văn phòng. Đã đến lúc chúng
ta cần ý thức hơn về việc bảo quản, sử dụng tài sản chung của công ty. Điều này cũng đồng nghĩa với việc bạn đang bảo vệ quyền lợi của chính mình
Theo Sức trẻ Việt Nam